Giới thiệu về sản phẩm
Lãng du trong văn hóa Việt Nam có thể xem như là một cuốn nhật ký về văn hóa dân tộc, trong đó có những bức tranh đa diện về đất nước, con người Việt Nam. Với một lối văn mộc không son phấn, văn hóa Việt Nam được nhà văn hóa Hữu Ngọc phác họa một cách sắc nét qua những dòng ký sự đặc biệt lôi cuốn người đọc. Với một cặp mắt đầy tinh tế, những dòng ghi chép ngắn của tác giả đã đưa không gian văn hóa Việt Nam hiển hiện trước mắt bạn đọc. Có thể đấy là một vùng đất biên cương xa vắng, hoặc là một nơi sát cạnh thủ đô và thậm chí là cả giữa chốn thị thành phồn hoa. Từng bước, ông dẫn dắt người đọc dọc theo chiều dài của đất nước lãng du vào Lam Kinh của triều Lê. Rồi quay ra làng Nhị Khê, thăm quê hương Nguyễn Trãi. Xuống La Xuyên xem đồ gỗ chạm khắc tinh vi. Đến Vạn Phúc hỏi về nghề dệt lụa Hà Đông. Sang vùng Kinh Bắc nghe hát quan họ. Về xứ Đoài viếng mộ Tản Đà. Trở lại chiến khu xưa Định Hóa, bồi hồi nhớ bao kỷ niệm. Lên vùng Tây Bắc xa xôi như Lào Cai thưởng thức bài hát đưa ma của người Mông Sapa, nếm trải hương vị của núi rừng Tây Bắc. Về tận Cao Bằng, thăm xứ sở người Tày, tìm hiểu hội xuống đồng của họ. Qua Lạng Sơn ăn món khau nhục, nghe điệu hát sli của người Nùng. Ngược Sơn La tìm hiểu tục ngữ Thái. Đến Mường Tè trò chuyện với người La Hú... Lang thang vào Ninh Thuận xem đồ gốm Chăm thô ráp, nghe câu đố Chăm ý nhị… Về Văn Miếu để hiểu được truyền thống hiếu học của người xưa; vãn cảnh chùa chiền Phật giáo, đạo quán Lão giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo... Ông còn dẫn người đọc đến với những tín ngưỡng tôn giáo như thờ cúng tổ tiên, chữ hiếu, chữ nghĩa đến những tục đốt vàng mã..., rồi mở rộng ra toàn cầu hóa và tâm linh... Bên cạnh đó, những nét văn hóa, bản sắc dân tộc, văn học nghệ thuật cũng được ông đề cập một cách sâu rộng. Không chỉ là cảnh đất nước, Lãng du trong văn hóa Việt Nam còn đưa bạn đọc theo chân tác giả đi đến những phương trời xa. Gần nhất là những vùng đất sát biên giới như Côn Minh, xa hơn là châu Âu, châu Mỹ. Nhưng những hành trình đó vẫn gắn liền với bản sắc văn hóa Việt như những chuyện bảo tồn giá trị gia đình của người Việt Nam ở nước ngoài hay ý nhị như câu chuyện chào cờ của người Việt và người Pháp. Trong tác phẩm này, văn hóa Việt Nam được ông phác họa một cách sắc nét qua từng dòng ký sự. Với lối viết ngắn gọn, súc tích, nhà văn Hữu Ngọc lôi cuốn bạn đọc bằng hiểu biết và xúc cảm. Tất cả những năng lực ấy ông bộc lộ qua hai phương tiện: viết và nói bằng một tư duy rất hiện đại. Với một lối văn mộc không son phấn, văn hoa, cốt lõi ở văn ông là nội dung. Sự mộc mạc, hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là tố chất dễ thấy trong Lãng du trong văn hóa Việt Nam. Đây là một cuốn nhật ký văn hóa, không phải là “trường thiên đại luận” về văn hóa theo cung cách hàn lâm, mà là bức tranh đa diện về đất nước, con người Việt Nam. Dưới góc nhìn của ông, con người nông thôn nghĩa tình đến thế, họ sống thật bình dị mà những ai gần gũi họ mới thấy hết được chất chân quê... Tất cả được gạn lọc qua cảm thụ của một tâm hồn tinh tế - nhà văn, nhà văn hóa Hữu Ngọc sau hơn 50 năm cầm bút. Sinh năm 1918, nhà văn hóa, nhà văn Hữu Ngọc nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng sức đi, sức viết của ông như nằm ngoài cái khái niệm thời gian. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì ông giống như: “một dòng sông cuồn cuộn luôn chảy xiết”. Và dòng sông đó đang chuyển tải những nét đẹp của văn hóa Việt Nam đi khắp thế giới. Chính vì thế, nhiều người ví Hữu Ngọc như là một người xuất khẩu văn hóa Việt đến với bạn bè bốn phương. Người Việt Nam đọc được những gì về văn hóa của chính mình trong cuốn sách giới thiệu văn hóa Việt cho người nước ngoài? Đó là sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa mà đôi lúc vì quá quen thuộc nên nhiều người đã đánh mất đi phần nào. Và Hữu Ngọc đã làm một công việc tưởng chừng kỳ lạ, “nhập khẩu” vào Việt Nam chính văn hóa Việt Nam và chuyến “nhập khẩu” này đã như lời nhắc nhở về một niềm tự hào mà mỗi con người Việt cần phải nâng niu và giữ gìn trong suốt cuộc đời mình.
Bình luận